Du lịch nội địa giữ vai trò chủ đạo trong năm 2022

Hải Nam/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về những tín hiệu phục hồi và định hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về sự phục hồi của du lịch nội địa thời gian qua?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Từ năm 2020, Tổng cục Du lịch đã đề xuất Bộ VHTT&DL chủ trì, phát động chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên toàn quốc và đã rất thành công. Nhờ đó, ngành du lịch giảm bớt thiện hại từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động, người lao động có công ăn việc làm và người dân vẫn có các lựa chọn du lịch, trải nghiệm tốt.

Đến năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa. Sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành và Bộ VHTT&DL có các văn bản hướng dẫn, hoạt động du lịch nội địa tại nhiều địa phương đã khởi sắc trở lại. Lượng khách du lịch tăng nhanh đặc biệt là dịp cuối tuần, nhất là các điểm đến Phú Quốc, Khánh Hòa, Lào Cai… Đây là những tín hiệu rất tích cực cho ngành du lịch trước khi bước vào năm 2022.

Tuy nhiên, du lịch nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Đó là sự khác biệt, chưa nhất quán về quy định phòng, chống dịch bệnh giữa các địa phương dẫn đến cản trở đi lại và giảm hiệu quả phục hồi. Ngoài ra, chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp du lịch cạn kiệt về tài chính, năng lực nên chưa tham gia kích cầu du lịch nội địa. Nhiều cơ sở hạ tầng dịch vụ - du lịch đã xuống cấp, nguồn nhân lực du lịch bị tổn thương và phân tán cũng là khó khăn hiện nay của ngành du lịch.

PV: Vừa qua Việt Nam đã đón khách quốc tế trở lại, sau thời gian dài tạm dừng. Đây có phải là một trong những điểm sáng nhất của ngành du lịch trong năm 2021?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch vẫn có nhiều dấu ấn trong năm qua. Trong đó, thành tựu lớn nhất là khắc phục các trở ngại để phục hồi du lịch nội địa và thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Các chương trình “Du lịch an toàn – trải nghiệm trọn vẹn” cho thị trường nội địa và “Live fully in Viet Nam” cho thị trường quốc tế đã có sức lan tỏa lớn, góp phần tạo đà phục hồi cho năm 2022.

Với sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp và địa phương tham gia thí điểm, dự kiến năm nay Việt Nam sẽ đón khoảng 3.000 – 3.500 khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Qua sự phản hồi của du khách quốc tế, các thị trường truyền thống cho thấy tín hiệu tích cực và nhu cầu đi du lịch Việt Nam đang gia tăng.

Tuy nhiên, hiện du khách quốc tế từ các thị trường truyến thống của Việt Nam vẫn phải phê duyệt thị thực, trong khi họ đã quen được miễn visa trong nhiều năm trước đây. Việc đón khách quốc tế bằng đường bộ, đường biển vẫn chưa có hướng dẫn. Hoạt động du lịch ra nước ngoài (outbound) chưa được khôi phục, trong khi đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy đón khách quốc tế đến (inbound). Trong thời gian tới, chương trình thí điểm này sẽ được điều chỉnh để thu hút du khách quay lại Việt Nam.

PV: Vậy những khó khăn nêu trên sẽ được khắc phục như thế nào? Các vấn đề này có được luận giải trong hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” tới đây?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Nghệ An thể hiện sự quan tâm, chung sức của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Được tổ chức đúng thời điểm ngành du lịch đang dần phục hồi, hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” sẽ tập trung vào các nội dung quan trọng như thực trạng ngành du lịch, những tác động tiêu cực của đại dịch, đánh giá lại các cơ chế, chính sách đã ban hành… Qua đó, các chuyên gia sẽ góp ý xây dựng chính sách phù hợp và thiết thực để “vực dậy” ngành du lịch Việt Nam, từ đó phát triển tương xứng với mục tiêu và kỳ vọng đã đề ra.

Năm 2022, hoạt động du lịch được dự báo tiếp tục gặp khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và xuất hiện các biến chủng mới. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam trong năm tới. Toàn ngành ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cục Du lịch cũng sẽ tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động và duy trì kinh doanh; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch.

Về kế hoạch đón khách quốc tế, Bộ VHTT&DL đã đề xuất với Chính phủ cho phép áp dụng chính sách miễn thị thực 15 ngày với các thị trường mục tiêu của Việt Nam. Chương trình thí điểm dự kiến được mở rộng hơn, bổ sung đón khách qua đường bộ, đường biển và thêm 2 địa phương là Bình Định, TP.HCM tham gia đón khách. Ngoài ra, chỉ khi cân bằng hoạt động du lịch inbound và outbound thì hoạt động du lịch quốc tế mới được khôi phục hoàn toàn. Việt Nam cần có biện pháp để thích nghi, tạo thuận lợi hơn cho khách quốc tế đến.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Tin cùng chuyên mục