Xuân mới khởi sắc của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng
VOV.VN - Đón Tết Nhâm Dần năm nay, nhiều hộ gia đình đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng từ nghèo khó trở thành hộ nông dân khá giả, nhà cửa xây dựng ngày càng khang trang, điện đường trường trạm được nâng cấp, xây dựng mới. Do vậy mà bà con đón năm mới này thêm vui tươi, đầm ấm.
Ông Sơn Hang, người dân tộc Khmer ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2009. Nhưng mô hình chỉ bắt đầu cho hiệu quả kinh tế cao từ năm 2015 khi ông tham gia Dự án nuôi bò sữa của tỉnh. Ông Sơn Hang cho biết, ông được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, con giống, tinh bò nên đàn bò ngày càng phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện ông Hang có trên chục con bò sữa trong tay với lợi nhuận bình quân từ 5-6 triệu đồng mỗi tuần. Nhờ mô hình nuôi bò sữa, hiện nay, cuộc sống của gia đình ông Hang đã vươn lên khá giả.
“Chúng tôi bán sữa cho trạm thu mua sữa. Nếu một ngày mình thu được 100kg sữa thì một tuần được 700kg. 700kg này thì bán được trên 9 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn, điện, nước phục vụ chăn nuôi thì mình còn lại trên 6 triệu đồng”, ông Sơn Hang chia sẻ.
Tham Đôn là xã có hơn 73% dân số là người Khmer. Đây cũng là địa phương vừa được tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Trung Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân xã Tham Đôn cho biết, nhờ phong trào nông thôn mới mà xã đã nhanh chóng khởi sắc, đời sống người dân nâng lên, nhiều mô hình kinh tế phát triển như nuôi bò sữa, nuôi tôm, trồng rau màu kết hợp đa canh đã đem lại thu nhập cao cho nhà nông. Trong thời gian tới, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tham Đôn sẽ quyết tâm hơn nữa, để cố gắng làm sao đạt đích nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
“Phải nói là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tham Đôn rất vui mừng được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là kết quả của cả một quá trình cả hệ thống chính trị, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tham Đôn đã đoàn kết thống nhất quyết tâm thực hiện để đạt như ngày hôm nay. Trong thời gian tiếp theo, cả hệ thống chính trị, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tham Đôn sẽ quyết tâm hơn nữa để cố gắng làm sao đạt đích nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Bảo nói.
Cũng như xã Tham Đôn, xã Viên Bình, huyện Trần Đề đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới nâng cao cuối năm 2021. Đến xã Viên Bình trong ngày đầu năm mới mọi người sẽ cảm nhận được vùng nông thôn khởi sắc. Trên tuyến đường nhựa từ Trung tâm xã về ấp Lao Viên là những ngôi nhà tường khang trang, hai bên đường được bà con trồng hoa, sắc màu rực rỡ.
Nói về sự thay da đổi thịt của quê hương mình, ông Kim Suôl, ở ấp Lao Vên, xã Viên Bình, chia sẻ: “Trước đây, phải nói vùng này rất khó khăn. Bây giờ, trình độ dân trí của bà con được nâng lên. Việc sản xuất cũng đạt hiệu quả kinh tế hơn. Riêng về đời sống, bà con mình giờ đã xây dựng nhà cửa khang trang”.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2018 đến nay, xã đã huy động trên 92,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó nhân dân đóng góp 3,5 tỷ đồng. Hiện nay các tuyến lộ từ trung tâm xã đến các đường huyện đều được nhựa hóa, các đường trục ấp, liên ấp được bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và dân sinh, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Qua phát động của Ban Chỉ đạo xã, người dân rất tích cực tham gia các công trình phúc lợi xã hội. Đặc biệt là đóng góp về hệ thống chiếu sáng đèn năng lượng mặt trời từ Trung tâm xã đến chùa Lao Vên. Hiện nay, chúng tôi đang phát động, vận động người dân ủng hộ lấp đèn năng lượng mặt trời để phục vụ đi lại trong các ngõ ngách hay để phát triển, nâng cấp lộ mới”, ông Lê Trung Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Viên Bình, huyện Trần Đề cho biết.
Sự đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay ở Sóc Trăng đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào xây dựng nông thôn mới, mang lại sự khởi sắc cho làng quê./.