Xuân ấm no trên bản làng vùng trồng cao su

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Chia sẻ

VOV.VN - Sau thời gian dài thăng trầm, biến động, giá mủ cao trên thị trường những năm gần đây đã bắt đầu ổn định. Điều đó đồng nghĩa với việc cuộc sống của người dân tại các bản làng cao su đã được cải thiện.

Nguồn thu nhập chính từ lợi tức góp đất và lương làm công nhân cao su đang dần góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng vùng cao ở Lai Châu. Đồng bào các dân tộc trong vùng trồng cao su đang hân hoan chuẩn bị vui xuân, đón Tết trong điều kiện đủ đầy và ấm áp hơn.

Sáng sớm tinh mơ, khi màn sương còn giăng phủ kín bản làng trong không gian tranh sáng tranh tối, những căn nhà sàn của đồng bào Thái, ở bản Nậm Cày, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã sáng đèn. Tiếng í ới gọi nhau đi cạo mủ mỗi buổi sớm của công nhân địa phương đã trở thành nếp quen nhiều năm nay. Giờ đây nếp nghĩ lao động sản xuất “thích thì làm không thích thì bỏ” của bà con đã được thay thế bằng cách làm công nghiệp, khoa học.

Hơn 10 năm nay, vợ chồng anh Lường Văn Tuấn, ở bản Nậm Cày, xã Chăn Nưa, đã gắn bó với Nông trường cao su Nậm Na gần nhà. Hàng ngày công việc của hai vợ chồng là tranh thủ dậy lúc hơn 3 giờ sáng để lên rừng cao su cạo mủ và về nhà lúc 8 giờ. Nhờ chăm chỉ, cẫn mẫn nhận thêm việc, mức lương của hai vợ chồng luôn cao nhất tổ và cuộc sống cũng từ đó ổn định hơn.

“Đi làm chỗ khác, nhất là dưới xuôi có khi không được tiền, quay về nhà hai bàn tay trắng. Về làm ở đây lương của hai vợ chồng cũng ổn định, còn nuôi con đi học được nữa. Hàng tháng vợ chồng chúng tôi cứ ổn định lương từ 16 đến 17 triệu và cao nhất là 18 triệu, nên không phải lo đi làm thêm bên ngoài nữa. Công việc làm thì cũng nhẹ nhàng, 3 giờ 30 phút mình dậy đi làm rồi 8 giờ là về nhà thôi, về nhà mình vẫn có thời gian đi làm ruộng thoải mái”, anh Tuấn nói.

Bản Nậm Cày, xã Chăn Nưa là nơi sinh sống của hơn 80 hộ, gần 400 nhân khẩu đồng bào Thái. Những căn nhà thưng vách nứa trước đây giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà sàn gỗ, nhà xây kiên cố. Nhờ đồng lương cố định của gần 100 công nhân cao su trong bản và sự cần cù, chăm chỉ của người dân, đời sống người dân đã sang trang. Ti vi, xe máy, máy giặt, tủ lạnh...những vật dụng xa vời trước đây giờ đã có trong mỗi ngôi nhà.

Ông Lường Văn Thương, Trưởng bản Nậm Cày, xã Chăn Nưa chia sẻ: Sau tái định cư thủy điện Sơn La, cuộc sống của người dân tưởng như ổn định hơn thì “cơn bão ăn tiêu” tàn phá bản làng. Chỉ vài năm cuộc sống của người dân lại trở lại như xưa, xác sơ, tiêu điều và chỉ còn là những ngôi nhà trống hoác, với cuộc sống chồng chất khó khăn. Chỉ từ khi cây cao su được đưa về bản trồng, người dân có việc làm ổn định, cuộc sống mới thay đổi.

“Bà con nhân dân đã phát triển rất nhiều và kinh tế đã ổn định rồi. Hầu như nhà nào cũng có người tham gia công nhân cao su, có nhà có tới 4 lao động, còn thường thì từ 1 đến 2 lao động. Nói chung về kinh tế của bà con nay phát triển rất mạnh rồi, các gia đình cũng đã ổn định và trang thiết bị trong gia đình bà con cũng mua sắm đây đủ hết rồi”, ông Thương cho hay.

Thực hiện chủ trương đưa cây cao su lên vùng cao Tây Bắc, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ là địa phương đi đầu trong tham gia góp đất, với hơn 3.300ha. Đến nay toàn xã đã có gần 260 người dân tham gia làm công nhân cạo mủ cao su và hàng trăm người dân khác có việc làm thời vụ từ cây cao su. Riêng năm 2022, người dân xã Chăn Nưa đã có nguồn thu nhập từ lương công nhân, việc làm thời vụ và phần trăm cổ tức góp đất lên tới gần 20 tỷ đồng.

Ông Lò Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ cho biết: Toàn xã hiện có 8 bản, với gần 4.000 nhân khẩu. Nhờ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay các tuyến đường liên xã, liên bản trên địa bàn đều được cứng hóa. Đời sống người dân đã từng bước được nâng lên khi hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 15% theo tiêu chí mới và chủ yếu nhờ nguồn thu từ việc làm cây cao su.

“Cây cao su trồng tại xã Chăn Nưa bước đầu cũng khó khăn, tuy nhiên sau khi khai thác mủ cũng đã tạo ra thu nhập ổn định cho người dân. Với công nhân người địa phương giờ cũng có mức lương tối thiểu ổn định khoảng 5 triệu đồng/người và cũng góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, có thêm nguồn vốn để tăng gia sản xuất. Bộ mặt của xã cũng như đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao về mọi mặt”, ông Phong nói.

Là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu về đích kế hoạch sản xuất kinh doanh trước 12 ngày, năm 2022 Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II đạt tổng sản lượng khai thác mủ trên 3.200 tấn, với doanh thu đạt gần 100 tỷ đồng. Theo lãnh đạo công ty cho biết, do giá mủ cao su trong năm không ổn định nên lợi nhuận của đơn vị còn thấp. Tuy nhiên, đơn vị đã làm tốt công tác an sinh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

“Công ty hiện tại đang có hơn 1.000 lao động, hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số và đang đảm bảo mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo công tác sản xuất, kinh doanh của công ty trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục ưu tiên các chế độ, chính sách cho người lao động, như hỗ trợ về nhà ở, đảm bảo về cơ sở vật chất, nước sinh hoạt, điện năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó sẽ tạo việc làm thường xuyên để người lao động có mức thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống, thường xuyên chăm lo đến quyền, lợi ích, đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động”, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II nói.

Cây cao su đã khẳng định phù hợp trên đất đồi Lai Châu và bước đầu đạt được mục tiêu ổn định an sinh cho đồng bào nơi có dự án. Các bản làng trong vùng trồng cao su đang đổi thay từng ngày, hiện hữu trên nét mặt hân hoan của mỗi người dân. Xuân này, đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng trồng cao su ở Lai Châu không còn lo thiếu đói, thiếu mặc, bởi họ đã làm chủ được kinh tế gia đình nhờ cần cù, chịu khó và có mức thu nhập ổn định từ cây cao su./.

Tin cùng chuyên mục