Tản mạn về một Hà Nội ngày ấy...
VOV.VN - Ngày ấy, đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, quanh Hồ Gươm dập dìu “trai thanh gái lịch”... “Thanh” vì sự trẻ trung. “Lịch” vì tuy không phải ai cũng có nhiều quần áo sang đẹp, nhưng đã đến đây đều từ tốn, trang trọng. Không ồn ào, không chen lấn xô đẩy, lâu lâu mới có người đốt băng pháo nhỏ...
Ngày 10/10/1954, bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. Ngày 1/1/1955, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức mừng “Chính phủ về lại Thủ đô”. Từ đấy mấy năm liền Hà Nội lúc nào cũng như sống trong ngày hội. Đường phố chăng đèn kết hoa. Nhiều tổ dân phố còn dựng cổng chào, treo ảnh Bác Hồ. Mà toàn là của dân góp sức, chứ nhà nước làm gì có tiền và người để làm.
Làng tôi, làng Thuyền Quang khu phố Bảy Mẫu cũng sống trong không khí tưng bừng ấy. Đây là một ngôi làng cổ nằm lọt thỏm giữa hồ nước mênh mông vốn là một phần của hồ Liên Thủy xưa kia. Làng sống bằng nghề trồng cây (hoa các loại và quất), thả cá dưới hồ và trồng rau, nuôi lợn... Dân làng cùng với nhiều hộ dân từ kháng chiến trở về sống hòa quyện, thân ái. Nhà nào cũng có “bàn thờ Tổ quốc” đặt ở nơi trang trọng nhất của căn nhà, với quốc kỳ cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhớ nhất là những buổi chào cờ sáng mùng Một Tết Nguyên đán. Từ các ngõ xóm, người của các gia đình lần lượt tập trung về sân đình nằm ở giữa làng. Từ trước Tết, thay vì dựng cây nêu thì dân làng đã chọn một cây tre lớn dựng giữa sân đình, trên ngọn tre, lá cờ Tổ quốc tung bay... Cứ theo thứ tự mà xếp... Trẻ em đứng trước, sau đến các cụ ông cụ bà... Gia đình nào có con em là bộ đội, được nghỉ phép về ăn Tết, quân phục chỉnh tề, cũng ra đình tham gia lễ chào cờ. Ông trưởng làng nhìn quanh, khi thấy người làng ra đã đông liền dõng dạc tuyên bố “lễ chào cờ bắt đầu” và cả làng đồng thanh hát Quốc ca... Cũng thật là vui, dù không tập dượt, nhưng với đội văn nghệ của làng làm nòng cốt, tiếng hát quốc ca vang lên mạnh mẽ, đúng nhịp. Ai cũng hát thật to, hát căng lồng ngực...
Chào cờ xong, mọi người vào trong đình, thắp hương trước ban thờ thần “Cao Sơn đại vương”… và gặp nhau chúc mừng năm mới… Trong không khí mát lạnh của ngày đầu năm mới, trong khói hương thơm ngát, gương mặt ai cũng rạng rỡ, hồ hởi... Những gia đình trồng hoa, trồng quất được dịp mang hoa tươi của vườn nhà ra đặt trước các ban thờ... Những chậu quất nho nhỏ xinh xinh, quả chín vàng tươi được đặt rải rác trên hàng hiên và các góc sân đình...
Thuyền Quang - quê tôi - chỉ là một trong hàng trăm ngôi làng của đất Thăng Long Hà Nội... Khác với “dân 36 phố phường” đa phần là từ các nơi khác về Hà Nội sinh cơ lập nghiệp, còn nhớ rất rõ “quê mình ở đâu”... Dân các làng này đều sinh sống nhiều đời ở vùng đất Thăng Long và có thể nói là “người Hà Nội gốc”. Trong làng còn duy trì nhiều phong tục tập quán của làng và từ sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc nước ta, có thêm phong tục lập “bàn thờ Tổ quốc” và chào cờ đầu năm ở sân đình. Việc lập “bàn thờ Tổ quốc” vừa tỏ rõ việc đặt “Tổ quốc “lên trên hết, còn là lời nhắc nhở mọi người có trách nhiệm đối với đất nước, đối với đồng bào miền Nam ruột thịt… Gặp nhau ở sân đình ngày đầu năm cũng là dịp để các gia đình trong năm có việc tang gia chúc Tết hàng xóm láng giềng. Đây cũng là dịp để những người có những khúc mắc nho nhỏ với nhau trong năm, gặp nhau hòa giải bên ấm chè đầu xuân... Trước đình, đám trẻ con chạy nhảy... Nhiều đứa cầm theo que hương cháy, thi thoảng đốt một quả pháo chuột bé tí, nổ lẹt đẹt… lan tỏa mùi thuốc pháo thơm thơm… Xong việc ở đình, nhiều gia đình lên chùa thắp hương cúng Phật, mời nhau về nhà uống chén rượu mừng Xuân - mừng Đất nước vào Xuân. Ngày ấy đường làng ngõ xóm tuy chật hẹp nhưng vẫn rộng rãi vì chủ yếu là người đi bộ... Dọc hai bên đường trồng cây râm bụt, cây duối, cúc tần... tầm nhìn không bị ngăn cách… nhà nào cũng có những khoảng không gian sinh tồn thoáng mát... Không có sự ngăn cách, không có chuyện “đèn nhà ai nhà ấy rạng”...
Ngày ấy... xa rồi thì phải...
Ngày ấy, đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, quanh Hồ Gươm dập dìu “trai thanh gái lịch”... “Thanh” vì sự trẻ trung. “Lịch” vì tuy không phải ai cũng có nhiều quần áo sang đẹp, nhưng đã đến đây đều từ tốn, trang trọng. Không ồn ào, không chen lấn xô đẩy, lâu lâu mới có người đốt băng pháo nhỏ lấy không khi Tết. Trước Giao thừa Bờ Hồ không đông lắm vì hầu hết mọi người đều cố gắng về nhà, đón năm mới ở nhà. Sau Giao thừa, nhiều gia đình ở quanh Bờ Hồ, vợ chồng con cái mới cùng… nhau ra đền Ngọc Sơn, vào chùa Bà Đá thắp hương, xin một cành lộc nhỏ rước về nhà lấy may...
Ngày ấy... còn duy trì được đến những năm 1970... Chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược” là nơi hò hẹn của những lứa đôi. Thấp thoáng bên những cành đào phai đào bích là những người lính được về phép thăm nhà… Từ các làng hoa ven nội thành, người trồng hoa mang hoa tươi vườn nhà đi bán… Nhiều người là giáo viên, là bác sĩ, kỹ sư… giúp bố mẹ mình mấy ngày phiên chợ… Người bán có học, người mua có văn hóa nên nói “giá” để giữ khách, “trả giá” để mua… không khí thật giao hòa… Trong mưa phùn lâm thâm, những sắc đào hồng tươi, sắc mai trắng tinh, thược dược đủ màu, lay ơn quý phái… ngời lên làm tươi mới những gương mặt không giấu nổi niềm vui trong phiên chợ hoa ngày Tết...
Ngày ấy, hàng cây “cơm nguội vàng” trên đường đê Yên Phụ bừng sáng những lộc non mơn mởn… phía bên kia, sông Hồng lững lờ trôi xuôi… không phải sông Hồng thở than, mà sông Hồng đang dạo khúc thanh xuân... “Hồng Hà mênh mông”...
Ngày ấy, “đây Hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây… đây lắng hồn núi sông ngàn năm”.../.