Quyết liệt để hồi sinh

PV/Báo Tiếng nói Việt Nam
Chia sẻ

VOV.VN - Sự đồng thuận của hệ thống chính trị, của toàn xã hội là nền tảng để chúng ta có những điều chỉnh phù hợp từ nhận thức, để từ đó có quyết sách quyết liệt nhưng linh hoạt trong từng thời điểm, trong từng hoàn cảnh và từng địa phương nhằm ứng phó hiệu quả với những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở hầu hết các địa phương với sự xuất hiện của các biến thể mới xâm nhập sâu và lan rộng vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội. Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, dịch bệnh trong tầm kiểm soát, kinh tế - xã hội vẫn ổn định, có nhiều điểm sáng. Trong khó khăn đã có thể hình dung về một trạng thái bình thường mới. Trước thềm Xuân Nhâm Dần, Báo TNVN phỏng vấn ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Tổng Giám đốc Đài TNVN.

PV: Đất nước ta trải qua hơn 2 năm phòng chống đại dịch Covid-19. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, bài học lớn nhất là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Sỹ: Năm 2021, năm thứ 2 ứng phó với dịch bệnh Covid-19, cả nước trải qua nhiều thăng trầm với những tình huống chưa từng có tiền lệ. Tôi cho rằng bài học lớn nhất rút ra từ thực tiễn đó là sự đồng thuận, sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tinh thần ấy: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Đầu năm, nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV đã diễn ra khi dịch bệnh bước đầu được khống chế có hiệu quả. Nhưng đợt dịch lần thứ ba, rồi lần thứ tư có những diễn biến khó lường. Cả nước căng mình chống dịch. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã đồng thuận cao ra Nghị quyết số 30 trong đó khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước mà nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra”.

Tại phiên họp ngày 11/8/2021, Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Phiên họp toàn thể đầu tiên được tổ chức sau Đại hội XIII của Đảng và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV thành công rất tốt đẹp để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội rất đặc biệt do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới và ở Việt Nam, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ khẳng định quan điểm: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động xây dựng giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Tiếp đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19: “Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Sự đồng thuận của hệ thống chính trị, của toàn xã hội là nền tảng để chúng ta có những điều chỉnh phù hợp từ nhận thức, để từ đó có quyết sách quyết liệt nhưng linh hoạt trong từng thời điểm, trong từng hoàn cảnh và từng địa phương nhằm ứng phó hiệu quả với những diễn biến khó lường của dịch bệnh, trong bối cảnh chồng chất khó khăn, có những đau thương mất mát.

PV: Ông có thể phân tích về tính quyết liệt và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ thời gian qua?

Ông Đỗ Tiến Sỹ: Tôi xin nhấn mạnh lại là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội là cơ sở để Chính phủ có những quyết sách, những biện pháp điều hành quyết liệt và linh hoạt. Sự quyết liệt và linh hoạt dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn. Chúng ta đã rất quyết liệt trong giai đoạn đầu giãn cách và truy vết. Hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội và truy vết dịch tễ cho chúng ta một khoảng thời gian quý báu để xây dựng, củng cố lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Khi chuyển hướng vaccine để chống dịch lây lan nhanh và giảm thiểu số ca chuyển nặng, giảm tử vong, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, chúng ta đã dốc toàn lực. Chiến dịch ngoại giao vaccine tiếp cận mọi nguồn từ chính phủ các nước, các hãng dược có uy tín trên thế giới. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai nhanh, trên diện rộng. Đến hết năm 2021, chúng ta đã tiêm được hơn 150 triệu liều vaccine - con số kỳ vọng để đạt miễn dịch cộng đồng (theo lý thuyết trước đó). Ngay sau đó, ngành y tế triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường.

Tính quyết liệt trong điều hành của Chính phủ thể hiện khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế miền Đông Nam bộ, hàng chục ngàn bác sĩ, lực lượng bộ đội, công an cả nước đã dốc toàn lực chi viện. Những bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường bệnh gấp rút thành lập. Mỗi xã, phường, mỗi tổ dân phố trở thành pháo đài chống dịch. Trong sự quyết liệt ấy, có sự linh hoạt theo diễn biến thực tế. Ngành y tế triển khai ứng phó theo mô hình tháp điều trị bệnh nhân 3 tầng: theo dõi và điều trị bệnh nhân không triệu chứng và thể nhẹ tại nhà; thu dung bệnh nhân có diễn biến cần theo dõi vào các trung tâm, bệnh viện dã chiến; và điều trị tăng cường những ca bệnh nặng. Mô hình phù hợp ấy đã giúp chúng ta kiểm soát được bệnh dịch, giảm số ca tử vong.

Tính quyết liệt và linh hoạt cũng được thể hiện trong điều hành kinh tế. Sau khi tiêm vaccine diện rộng, chúng ta đã nhanh chóng chuyển từ giãn cách xã hội sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Đợt dịch đầu, các khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã trở thành pháo đài vừa chống dịch vừa sản xuất. Bằng các biện pháp quyết liệt và sự đồng thuận của doanh nghiệp, công nhân đã ở lại nhà máy vừa để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, vừa đảm bảo sản xuất đúng tiến độ. Khi chiến dịch vaccine phát huy hiệu quả, chúng ta đã nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế. Phương châm là trong mọi hoàn cảnh không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo an sinh xã hội. Nền kinh tế nước ta đang dần có độ mở lớn, Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta phải có những chính sách tương thích với phần còn lại của thế giới, không để mất đối tác, không để cơ hội lọt vào tay người khác.

Những biện pháp quyết liệt và linh hoạt đã mang lại kết quả không thể phủ nhận. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại. Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân được quan tâm, an ninh quốc phòng được giữ vững.

PV: Truyền thông đã thể hiện bản lĩnh như thế nào trong đại dịch, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Sỹ: Theo đánh giá của Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19), các cơ quan truyền thông đã có nhiều nỗ lực. Báo chí tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ, các đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Các cơ quan truyền thông đã phản ánh kịp thời ý kiến của người dân, của các doanh nghiệp góp phần giúp Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời chính sách, cách điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Và báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội trong điều kiện muôn vàn khó khăn.

Là một trong những cơ quan truyền thông lớn của Chính phủ, với 4 loại hình báo chí: phát thanh, truyền hình, báo điện tử và báo in, Đài TNVN đã đóng góp vào những thành tích ấy. Trong hơn 2 năm phòng chống đại dịch, Đài đã phát sóng, đăng tải một lượng thông tin khổng lồ, tới hàng trăm nghìn tin, bài về diễn biến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới; công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch quyết liệt của Đảng và Nhà nước; các khuyến cáo phòng bệnh từ cơ quan chức năng; kết quả điều trị bệnh nhân Covid-19; các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh; các biện pháp phòng chống lây chéo dịch bệnh trong cộng đồng, giúp người dân hiểu đúng, có ý thức tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, vi phạm quy định về phòng chống dịch, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội. Bên cạnh đó là tuyến bài về ảnh hưởng của Covid-19 đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.HCM… và phản ánh các giải pháp duy trì sản xuất, đời sống, phục hồi nền kinh tế, ổn định xã hội ngay trong dịch bệnh; gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó, công tác đưa công dân từ nước ngoài về nước…

Đặc biệt, trong tháng 9/2021, Đài TNVN đã cử đoàn phóng viên tăng cường do một đồng chí Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN làm trưởng đoàn vào tâm dịch TP.HCM để phản ánh, đưa tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự dấn thân của các phóng viên, biên tập viên Đài TNVN đã góp phần tạo nên thành công trong mặt trận truyền thông chống đại dịch Covid-19.

PV: Ông dự cảm gì về tương lai trước thềm Xuân Nhâm Dần?

Ông Đỗ Tiến Sỹ: Hơn 2 năm qua, cả nước căng mình vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Giữa những bộn bề, lo toan, đã có thể thấy rõ hơn kết quả của quá trình “thích ứng linh hoạt để phát triển” và hình dung ngày càng rõ nét hơn về một cuộc sống bình thường mới. Giữa những mất mát đau thương nơi tâm dịch đã thấy sự hồi sinh. Chúng ta cùng chúc năm mới Nhâm Dần - năm của hồi sinh và phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

Tin cùng chuyên mục