Năm 2023: Hệ thống chính trị “sàng lọc” cán bộ theo Quy định 96-QĐ/TW

Thanh Hà/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Đầu năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế Quy định số 262-QĐ/TW. Đây được xem là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, một bước quan trọng để "sàng lọc" những cán bộ uy tín thấp, năng lực kém.

Năm 2023, toàn hệ thống chính trị các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận đoàn thể, từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc cùng lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống theo Quy định 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023. Tại Hội nghị Trung ương 7 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) diễn ra từ ngày 15-17/5, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ 23/10-29/11, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thời điểm này, các địa phương cũng đang hoàn tất lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Quyết liệt xây dựng chỉnh đốn Đảng

Việc đánh giá mức độ tín nhiệm theo tinh thần Quy định 96-QĐ/TWđược dư luận cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ thực hiện đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh khác mà được mở rộng trong toàn hệ thống chính trị gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận đoàn thể, từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Việc mở rộng phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được xem là xác đáng và bình đẳng. Cùng với đó, mức độ tín nhiệm được sử dụng để “đánh giá cán bộ” thay vì chỉ dùng để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” trước đây.

Nhấn mạnh việc Đại hội XIII của Đảng mở rộng nội hàm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không thể chỉ có Đảng mạnh còn Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể yếu, cần phải xây dựng đồng bộ cả 3 thành tố này.

Còn theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Quy định 96 không chỉ có ý nghĩa tham khảo, góp phần vào đánh giá cán bộ mà được sử dụng trực tiếp vào công tác đánh giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ, cho thấy vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm đã được nâng lên ở mức cao hơn so với Quy định 262. Quy định 96 thực sự là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, qua đó chúng ta có thêm một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đáng chú ý, Quy định 96 được ban hành vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng khi nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng bước vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội). Đây là thời điểm thích hợp để kiểm điểm, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 là cơ sở, căn cứ để đánh giá cán bộ, bố trí sử dụng cán bộ. Kết quả này cũng sẽ góp phần sàng lọc cán bộ, hạn chế tình trạng cán bộ uy tín thấp, năng lực kém nhưng vẫn tại vị, thậm chí còn được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Cách làm này theo GS,TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã phản ánh đúng tinh thẩn chỉ đạo của Đảng trong công tác cán bộ "có lên, có xuống", "có vào, có ra".

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm làm căn cứ cho những biện pháp xử lý tiếp theo

Quy định 96 còn có sự đồng bộ, liên thông với Quy định 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về vấn đề từ chức, miễn nhiệm của cán bộ và Thông báo Kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Qua việc lấy phiếu, người nào được tín nhiệm thấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét việc cho từ chức hoặc miễn nhiệm chứ không đợi đến giữa nhiệm kỳ hay đến hết nhiệm kỳ. Tức là kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 là căn cứ cho những biện pháp xử lý tiếp theo.

Trên thực tế, có những cán bộ sau bỏ phiếu đã không đủ tín nhiệm để giữ các chức vụ hiện thời, hoặc những cán bộ ở mức cảnh báo, có mức tín nhiệm cao dưới 50% như Giám đốc Sở Ngoại vụ và Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất còn phiếu tín nhiệm thấp lại nhiều nhất… Nhưng cũng có những cán bộ giành được số phiếu tín nhiệm cao tuyệt đối (100%), như Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái...

Thông qua kết quả được công bố công khai, mỗi cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình ở đâu để tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiếp tục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hoặc cân nhắc rút lui để dành vị trí cho những người xứng đáng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96- QĐ/TW sẽ nhắc nhở mỗi cán bộ lãnh đạo không một giây phút nào được lơi là việc “tự soi, tự sửa” lại mình.

Mới đây nhất, theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch tỉnh này, ông Lê Duy Thành nhận 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp. Tính đến thời điểm kết quả được công bố, ông Thành là chủ tịch tỉnh duy nhất trong cả nước bị quá nửa số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp. Dư luận đang trông chờ kết quả xử lý tiếp theo của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo quy định 96-QĐ/TW, ông Thành sẽ phải đối diện một trong hai hệ quả là: xin từ chức hoặc sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm.

Một điểm cũng rất đáng chú ý trong Quy định 96 là tiếp tục nhấn mạnh tiêu chí về sự gương mẫu của không chỉ bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý mà còn của cả vợ, chồng, con cái họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và trách nhiệm nêu gương của cán bộ để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Đây là tiêu chí rất quan trọng để “chấm” mức độ tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý. Trong gia đình, anh không gương mẫu, “tề gia”, để vợ con làm những việc sai trái và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chồng, cha để làm những việc không đúng đắn thì làm sao có thể “trị quốc”, lãnh đạo tốt ở cơ quan.

Tin cùng chuyên mục