Đồng bào Mông Sơn La có nghề làm hương nhang thờ
VOV.VN - Nghề làm hương nhang của đồng bào Mông có từ lâu đời. Bà con làm hương nhang chủ yếu để thắp cho những người đã khuất và cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình, con cháu luôn được an lành, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Từ xa xưa, đồng bào Mông đã có sáng kiến tự làm hương nhang để dùng trong cuộc sống hàng ngày. Những nén hương nhang được bà con kỳ công làm ra để thắp cho ông bà, tổ tiên, những người đã khuất trong các lễ hội, đặc biệt là ngày lễ tết. “Người Mông chúng tôi từ xưa đã tự làm hương nhang để dùng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong ngày lễ tết để thắp cho ông bà, tổ tiên. Và đến giờ dân tộc Mông vẫn luôn giữ nghề làm hương nhang này qua các thế hệ không để mai một, bởi đây là một nét văn hóa quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt của người Mông”- bà Vàng Thị Mua, người già ở bản Co Nhừ xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết.
Việc làm hương nhang cũng là một việc khá vất vả và trải qua nhiều công đoạn. Theo chị Sùng Thị Ca, ở xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, muốn làm được những nén nhang đẹp, đốt cháy tốt thì phải có các nguyên liệu là một loại vỏ cây gỗ thơm ở rừng và lá cây hương nếp mọc ở nương. “Phải đi tìm tước lấy một loại vỏ cây gỗ thơm ở rừng (người Mông gọi là Shaz fix) và đi hái những lá cây hương nếp thường hay mọc ở nương về phơi thật khô rồi mới cho vào cối giã thành bột. Tuy nhiên, hai loại nguyên liệu trên không được giã lẫn vào nhau mà giã riêng, sau khi giã xong bỏ ra để riêng vào hai cái mẹt”- chị Ca chia sẻ.
Ngoài hai nguyên liệu trên, chân nhang cũng là một phần rất quan trọng không thể thiếu. Để làm chân nhang, phải tìm chọn những cây tre được một năm, đẹp, thẳng, không gãy ngọn, chặt lấy những khúc giữa về chẻ làm chân nhang, nhưng khi chẻ chỉ lấy phần giữa, bỏ đi phần vỏ và phần trong cùng. Theo quan niệm của đồng bào Mông: Khi chẻ đoạn tre làm chân nhang, phải để phần ngọn với ngọn, gốc với gốc, không để lẫn vào nhau, nếu vô tình để lẫn vào nhau thì những nén nhang làm được đốt sẽ không cháy.
Để có được những nén nhang đẹp, chất lượng tốt thắp cho ông bà, tổ tiên, những người đã khuất trong ngày tết, lấy một đoạn ống tre to và tròn, dài hơn những chân nhang, đổ nước lạnh đầy vào trong ống tre, tiếp đó lấy chân nhang nhúng vào phần nước cho ngập tới đầu chân nhang, chừng khoảng 20cm từ tay cầm. Khi làm nhang, phải luôn luôn lấy gốc làm chân nhang và cho bột nhang vào phần ngọn, sau khi lăn, se được mình nhang, phơi khô, đốt mới cháy tốt. Nhưng lưu ý, không cho bất kỳ một ai hoặc gà vịt….bước qua, bắt đầu từ lúc chặt được đoạn tre về cho đến khi làm nén nhang hoàn thành và phơi khô. Nếu sơ suất để gà hoặc người bước qua đoạn tre hay những nén nhang thì đốt sẽ không cháy, không dùng được.
“Khi lấy chân nhang nhúng nước rồi, bỏ ra vẩy cho thật ráo nước. Lấy bột nhang nếp dải đều vào những chân nhang đang ướt và rũ cho rơi bớt bột xuống bàn, đồng thời phải cầm tách các cây nhang ra cho khỏi dính trùng vào nhau rồi lăn mình nhang lên một cái bàn phẳng cho bột bám chắc chân nhang. Tiếp đó lại cho nắm nhang nhúng vào trong nước rồi bỏ ra, cho bột nhang tẻ rải đều lên mình nhang và lại lăn lên bàn như vừa nói ở trên cho nén nhang se mình lại thật đẹp và mịn. Cứ làm như vậy 4-5 lần khi thấy mình nhang to đều nhau là được và đem ra phơi nắng hoặc để lên gác cho khô”- chị Sùng Thị Ca cho biết thêm.
Nghề làm hương nhang thờ đến giờ vẫn được đồng bào Mông ở Sơn La duy trì, truyền lại cho con cháu. Không những vậy, từ làm hương nhang để phục vụ việc thờ cúng của gia đình, giờ đây bà con ở một số bản làng đồng bào Mông còn làm hương nhang bán ra thị trường, có thêm thu nhập. Và đó cũng là một cách để đồng bào lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc không bị mai một./.