Nhảy đến nội dung
Báo Xuân
Theo dân gian, gọi là bánh cáy vì bánh nhìn giống trứng con cáy. Có người lại nói vì bánh thơm ngon nên được quan địa phương chọn dâng vua, vua ăn thấy vị bùi, ngọt hòa cùng vị cay của gừng nên hỏi tên món bánh, viên quan dâng bánh nói rằng đó là bánh cay. Từ đó, người dân đọc chệch là bánh cáy. Nguyên liệu của bánh cáy gồm con cáy làm từ bỏng gạo nếp cái hoa vàng, được chiên trên chảo dầu nóng.
Để làm ra chiếc bánh cáy dẻo thơm là một quá trình công phu, phức tạp với các công đoạn kỳ công.
Nguyên liệu làm bánh hoàn toàn từ thiên nhiên: Gạo nếp cái hoa vàng, gấc, quả hoặc lá dành dành, lạc, vừng, gừng, vỏ quýt, dừa, mật mía được trộn cùng nước đường gừng sánh quyện.
Sau khi trộn các nguyên liệu với nhau, người thợ cán đều và lèn chặt bánh trong khuôn hình chữ nhật. Bánh khi cứng lại được lấy ra khỏi khuôn và khoác lớp "áo vừng" bóng bẩy bên ngoài.
Người thợ dùng thanh cắt để định lượng bánh đều trước khi tiến hành bước cắt bánh nhỏ hơn.
Nhờ cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng bánh cáy của xưởng bánh kẹo Đình Mạnh đã tăng lên đáng kể. Mỗi ngày, sản lượng bánh kẹo có thể đạt từ 2-3 tấn. Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, bánh cáy được người dân chọn làm quà biếu nhiều nên cơ sở cũng bán được nhiều hơn so với những ngày thường.
Người dân làng Nguyễn xem bánh cáy như một thứ quà đặc biệt dành biếu ông bà, cha mẹ hay những người thân để tỏ lòng kính trọng, yêu thương. Chính vì thế, mỗi dịp lễ, tết, cúng giỗ tổ tiên, trên bàn thờ trong mỗi gia đình ở làng Nguyễn đều không thể thiếu phong bánh cáy.
Bánh cáy không chỉ là món ăn ngon mà còn là một phần của văn hóa ẩm thực độc đáo của Thái Bình.
Bánh cáy thành phẩm đạt chất lượng phải đảm bảo độ ngọt vừa phải, thơm mùi lạc, vừng rang, ngậy vị của mứt bí, độ béo của xôi, dừa và vị cay cay của gừng… Khi cắn miếng bánh sẽ cảm nhận được sự hòa quyện hương vị dẻo thơm, ngậy, bùi của những nguyên liệu từ ruộng đồng. Ẩn sau mỗi miếng bánh là cả quá trình làm tỉ mẩn, chất chứa tấm quê chân tình của người dân làng Nguyễn.